Thép cacbon

Thép cacbon một trong những loại vật liệu được sử dụng phổ biến nhất, trong nhiều lĩnh vực. Theo thông tin được công bố bởi worldsteel.org (trang web của Hiệp Hội Thép Thế Giới, một tổ chức phi lợi nhuận có trụ sở chính tại Brussels), sản lượng thép thô được sản xuất, vào 5 của năm 2023 đạt 161,6 triệu tấn.

Qua đó ta có thấy nhu cầu đối với các loại thép nói chung là rất lớn. Trong bài viết ngày hôm nay hãy cùng mình tìm hiểu, những kiến thức hữu ích liên quan đến thép cacbon.

Tìm hiểu về thép cacbon

Thép cacbon là loại vật liệu đóng vai trò quan trọng, trong nhiều ngành nghề bao gồm sản xuất ô tô, đóng tàu, xây dựng, cơ khí chế tạo,… Theo như thông tin từ World Steel, tổng sản lượng thép thô trên thế giới trong năm 2021, đạt 1950,5 triệu tấn.

Hình ảnh các loại thép cacbon trên thị trường
Hình ảnh các loại thép cacbon trên thị trường

Thép cacbon là gì?

Thép cacbon là một loại hợp kim với thành phần chính bao gồm sắt (Fe) và cacbon (C), với hàm lượng cacbon phổ biến, nằm trong khoảng từ 0,05% đến 2,1% tính trên khối lượng và một số nguyên tố khác.

Thành phần của thép cacbon thường bao gồm các nguyên tố sau:

Thành phần của thép cacbon bao gồm carbon và một số nguyên tố khác. Dưới đây là thành phần chính của thép cacbon:

  • Sắt (Fe): Thành phần cơ bản.
  • Carbon (C): Nồng độ carbon trong thép cacbon thường từ khoảng 0,05% đến 2,1% theo trọng lượng. Hàm lượng Cacbon quyết định độ cứng của thép. Nồng độ cacbon càng cao, thép càng cứng, tuy nhiên nếu quá nhiều nó làm cho thép giòn hơn.
  • Mangan (Mn): Mangan là một nguyên tố phổ biến trong thép cacbon. Nó thường có mặt với nồng độ từ 0,3% đến 1,65%. Mangan giúp cải thiện độ cứng và độ bền của thép, nó giúp khử oxy loại bỏ FeO có hại cho thép.
  • Silic (Si): Silic thường có mặt trong vật liệu, với nồng độ thường từ 0,15% đến 0,35%.
  • Lưu huỳnh (S): Lưu huỳnh có thể có mặt trong thép cacbon với nồng độ thấp, thường dưới 0,05%. Một lượng nhỏ lưu huỳnh bị sót lại bên trong vật liệu, hàm lượng lưu huỳnh, thường không có lợi cho vật liệu.

Các nguyên tố khác: Ngoài các nguyên tố trên, thép cacbon còn có thể chứa một số nguyên tố khác như nickel (Ni), chrome (Cr), molypden (Mo),… Các nguyên tố này thường được thêm vào với một lượng rất nhỏ, để cải thiện một số tính chất cụ thể của thép, như kháng ăn mòn, khả năng chịu nhiệt, độ bền và khả năng gia công. Nhằm mục đích đáp ứng, những điều kiện của ứng dụng cụ thể.

Tính chất của thép cacbon

Tính chất vật lý:

  • Mật độ: Mật độ của thép cacbon thường dao động từ khoảng 7.8 g/cm³ đến 8.1 g/cm³, tùy thuộc vào thành phần hóa học cụ thể.
  • Điểm nóng chảy: Điểm nóng chảy của thép cacbon thường nằm trong khoảng 1,370°C đến 1,540°C, phụ vào thành phần hóa học cụ thể.
  • Độ dẫn nhiệt: Từ 50-60 W/(m.K).
  • Độ dẫn điện: Dẫn điện tương đối tốt.
  • Từ tính: Thép cacbon không phải là vật liệu từ tính tự nhiên, tuy nhiên, nếu được xử lý một cách đặc biệt, nó có thể có từ tính

Tính chất hóa học:

  • Oxi hóa: Thép cacbon có khả năng oxi hóa, tạo ra lớp oxit sắt bề mặt nếu tiếp xúc với không khí ẩm. Điều này có thể dẫn đến quá trình gỉ sét nếu không được bảo vệ.
  • Tính ăn mòn: Dễ bị ăn mòn, đặc biệt khi tiếp xúc với các chất ăn mòn như axit hoặc muối.
  • Khả năng hòa tan: Có khả năng hòa tan trong axit và hỗn hợp axit, tùy thuộc vào nồng độ axit và điều kiện xử lý.

Phân loại thép cacbon

Có nhiều loại thép cacbon đang có mặt trên thị trường, cũng như được sử dụng trong các ứng dụng thực tiễn. Những loại thép khác nhau sẽ có tính chất khác nhau, để thuận tiện cho việc lựa chọn vật liệu, người ta phân loại thép cacbon, thành những loại riêng biệt bằng cách căn cứ vào những phương diện khác nhau.

Phân loại dựa trên hàm lượng cacbon

Phân loại thép cacbon dựa trên hàm lượng cacbon, hay cụ thể hơn là tỉ lệ % trọng lượng của cacbon trong vật liệu, là kiểu phân loại thường được sử dụng nhất.

Thép cacbon thấp

Thép cacbon thấp chứa hàm lượng cacbon khoảng từ 0,05% đến 0,3%,chúng được đánh giá là mềm hơn hơn so với những phiên bản còn lại, điều này làm cho vật liệu này dễ uốn hơn, đồng thời tăng được tính linh hoạt của nó. Hàm lượng cacbon thấp giúp việc thực hiện công việc hàn dễ dàng hơn.

Thép cacbon thấp thường được cung cấp dưới dạng các tầm, thanh với nhiều kiểu tiết diện và hình dạng khác nhau, chúng thường được ứng dụng làm phần cốt thép trong xây dựng, được sử dụng để chế tạo các bộ phận vỏ ngoài của máy móc, chế tạo các thùng chứa,…

Để nâng cao độ cứng của vật  liệu này, ta có thể thực hiện phương pháp cacbon hóa.

Một số mác thép cacbon thấp điển hình có thể kể đến như:

  • Châu Âu: S185, S235, S275,…
  • Nhật Bản: JIS SS400, JIS G3131 SPHC, JIS G4051 S15C,…
  • Mỹ: A36, AISI 1080, AISI 1012,…
Thép cacbon thấp
Thép cacbon thấp

Thép cacbon trung bình

Thép cacbon trung bình có hàm lượng cacbon từ 0.3% đến 0.6%, chúng có độ cứng cao hơn và bền bỉ hơn so với thép cacbon thấp, nhưng đổi lại việc hàn và cắt loại vật liệu này sẽ khó khăn hơn.

Ngoài ra chúng cũng có độ dẻo và độ đàn hồi phù ở mức vừa đủ, cho phép chúng được sử dụng để chế tạo các chi tiết máy, những loại công cụ, thiết bị đòi hỏi đáp ứng khả năng chịu lực tác động lớn, trong nhiều trường hợp chúng cũng được sử dụng trong các các kết cấu chịu tải trọng.

Để tăng gia tăng cơ tính của một số mã thép cacbon trung bình, ta có thể thực hiện các phương pháp nhiệt luyện khác nhau bao gồm tôi, ủ,…

Một số mác thép cacbon trung bình điển hình:

  • Châu Âu: EN8, C45, C55, C60,…
  • Nhật Bản: S45C, S50C, S55C, S58C,…
  • Mỹ: AISI 1040, AISI 1050, AISI 1060,…
Các chi tiết bánh răng được chế tạo từ cacbon trung bình
Các chi tiết bánh răng được chế tạo từ cacbon trung bình

Thép cacbon cao

Thép cacbon cao có hàm lượng phổ biến từ 0,6% đến 1.5%, có một số mác thép có hàm lượng cacbon, vượt ngưỡng này, tuy nhiên thường không quá 2% trọng lượng.

Với hàm lượng cacbon cao như vậy, nó cải thiện độ cứng của vật liệu đáng kể, vì vậy vật liệu này có thể được sử dụng để chế tạo các loại dao cắt giọt, những kim loại khác mềm hơn, chế tạo các loại dụng cụ đo bởi độ cứng cao, giúp nó đảm bảo không bị biến dạng và ít bị mài mòn theo thời gian, duy trì được độ chính xác cần thiết của dụng cụ đo.

Chính vì vậy mà loại thép này còn được gọi là thép công cụ, hay tại Việt Nam thường gọi là thép gió. Loại vật liệu này cũng có thể được cải thiện cơ tính thông qua, các phương pháp nhiệt luyện.

Độ cứng cao vật liệu này sẽ khó uốn hơn và hạn chế về độ linh hoạt, không dừng lại ở đó việc cắt vật liệu này cũng rất khó khăn, và công việc hàn cũng có thể hình thành những vết nứt tiềm ẩn bên trong mối hàn.

Một số mác thép cacbon cao điển hình:

  • Châu Âu: C70, C75, C80,…
  • Nhật Bản: S60C, S65C, S70C, SK5,…
  • Mỹ: AISI 1060, AISI 1070, AISI 1080,…
Dao tiện và mũi khoan được chế tạo từ thép cacbon cao
Dao tiện và mũi khoan được chế tạo từ thép cacbon cao

Phân loại dựa trên phương pháp khử oxi

Thép sôi

Thép sôi là loại thép khử oxy không triệt để, nên trong quá trình rót kim loại lỏng vào khuôn, sẽ hình thành khí CO bay lên, từ đó xuất hiện các bọt khí giống như hiện tượng sôi của nước, và người ta lấy đó để đặt tên cho loại thép này.

Nguyên nhân sâu xa của hiện tượng sôi trên đó là, trong quá trình sản xuất để khử oxi sử dụng Phero mangan, tuy nhiên Phero mangan không khử hoàn toàn được oxi, nên vẫn còn tồn tại một lượng FeO nhất định. Sau đó FeO trong điều kiện nhiệt độ cao và không có oxi, tác dụng với C và tạo ra khí CO.

FeO + C -> Fe + CO

Thép sôi tương đối mềm, so với những loại thép khác, và có giá thành thấp chúng thường được sử dụng để chế tạo, chi tiết và sản phẩm gia công bằng phương pháp dập (nắp máy, vỏ máy).

Thép lặng

Thép lặng là loại thép được khử oxi triệt để hơn, vì vậy lượng FeO được khử gần như toàn bộ, và trong quá trình đổ khuôn không còn khí CO nổi lên.

Để khử được được hết oxi, thép lắp càn dùng nhiều chất khử hơn, vì vậy chi phí sản xuất vật liệu cũng cao hơn, dẫn đến giá thành của thép sôi cũng sẽ cao hơn thép lặng. Đổi lại thép lặng có tính đồng nhất cao hơn, cộng thêm do không phát sinh phản ứng hình thành CO, nên thép lặng hạn chế được tốt đa lượng bọt khí hình thành bên trong vật liệu.

Đây là phương pháp khử oxi, để tạo ra những loại thép có chất lượng cao, thường được sử dụng để chế tạo, các loại chi tiết và bộ phận của máy máy móc.

Thép nửa lặng

Xuất phát từ tên gọi của chính vật liệu, thép nửa lặng là loại thép thực hiện quá trình khử oxi, trong khoảng giữa của thép lặng và thép sôi. Nó sử dụng chất khử bao gồm phero mangan và nhôm. Vì vậy xét về cả yếu tố giá thành và chất lượng, thì thép nửa lặng nằm trong khoảng giữa của thép sôi và thép lặng.

Phân loại dựa trên công dụng

Như mình đã đề cập trước đó thép cacbon, được ứng dụng trong nhiều lĩnh vực khác nhau, trong những ứng dụng cụ thể sẽ có một số mác thép nhất định phù hợp. Vì vậy việc phân loại thép dựa trên công dụng cụ thể, cũng là một phương pháp phân loại thép phổ biến, và chúng gồm có 3 loại chính sau đây.

Thép xây dựng

Thép xây dựng là loại thép chuyên dụng, trong các công việc liên quan đến xây dựng bao gồm sử dụng trong các kết cấu chịu lực (dầm, cột, giá đỡ, làm phần lõi cho các cột bê tông,…). Những kết cấu thép xây dựng tồn tại xung quanh chúng ta gồm có cầu, đường hầm, nhà ở, nhà xưởng,…

Chúng thường được cung cấp dưới dạng các thanh dài, với tiết diện mặt cắt ngang dạng chữ I, hình tròn, chữ V, chữ U, dạng hộp,….

Thép xây dựng sử dụng rất nhiều, phần vì ứng dụng xây dựng phổ biến hơn và cần đến lượng thép nhiều hơn, phần khác vì thép xây dựng thường có giá thành thấp hơn hai loại còn lại.

Đặc điểm của loại thép này bao gồm:

  • Có khả năng chịu tải trọng tốt.
  • Chịu được lực tác động mạnh và đột ngột.
  • Có thể uốn và kéo được.
  • Độ cứng thấp hơn so với hai loại còn lại.

Một số mã thép xây dựng phổ biến tại Việt Nam:

  • Thép CT3: Thép cường độ thấp, thường được sử dụng trong xây dựng các cấu kiện nhẹ.
  • Thép CT5: Thép cường độ trung bình, thích hợp cho các công trình xây dựng thông thường.
  • Thép CB240: Thép cường độ cao, được sử dụng cho các công trình có yêu cầu chịu lực cao như cầu, nhà xưởng.
  • Thép CB400: Thép cường độ cao, thường được sử dụng trong xây dựng nhà cao tầng, tòa nhà chung cư, những công trình đặt ra yêu cầu cao về kỹ thuật.

Thép chế tạo cơ khí

Thép chế tạo cơ khí là loại thép được sử dụng để chế tạo các bộ phận và chi tiết máy móc, thường là những chi tiết chịu lực tác động lớn và liên tục ví dụ như: Bánh răng, trục bánh răng, trục khủyu, thanh truyền,… Ngoài ra chúng cũng có thể được sử dụng để chế tạo khuôn mẫu.

Thép cơ khí có độ cứng cao hơn so với thép xây dựng, và thấp hơn so với thép công cụ, chúng có một số đặc tính bao gồm:

  • Với hàm lượng cacbon cao hơn so với thép xây dựng, nên thép cơ khí có độ cứng lớn hơn.
  • Độ bền mỏi cao, phù hợp với điều kiện làm việc chịu lực tác động lặp đi lặp lại.
  • Tính ổn định nhiệt cao, có khả năng làm việc ổn định trong phạm vi nhiệt độ biến động lớn.
  • Chịu mài mòn tốt, do các chi tiết và bộ phận cơ khí trong quá trình làm việc, liên tục tiếp xúc và tác động qua lại, vì vậy loại vật liệu được sử dụng, để chế tạo chúng cũng phải có khả năng chống mài mòn.

Một số mác thép cacbon thường được sử dụng cho các ứng dụng cơ khí, tại Việt Nam bao gồm: Thép C45, thép C50, thép AISI 1045 (tương đương với C45),…

Thép công cụ

Thép công cụ là loại thép có hàm lượng cacbon cao hơn hai loại thép còn lại, vì vậy mà nó có độ cứng cao hơn, thép công dụng được sử dụng để chế tạo các loại công cụ cơ khí bao gồm tua vít, búa, kìm, dao tiện, dao bào, mũi khoan…

Không tính đến những loại thép công cụ hợp kim, thép công cụ cacbon, thường chứa hàm lượng cacbon từ 0.6% đến 1,5%. Tại Việt Nam thép công cụ còn được biết đến với cái tên là thép gió, có khả năng chịu nhiệt độc cao, chịu lực tác động lớn.

Ký hiệu của thép cacbon

Để thuận tiện cho việc lựa chọn và đánh giá chất lượng của thép cacbon, người ta thường dùng các chữ cái kết hợp với số, hoặc chỉ sử dụng các chữ cái in hoa kết hợp với chữ thường. Để thể hiện tính chất và cơ tính của thép. Dựa trên trên tiêu chuẩn Việt Nam (TCVN), ta có những kiểu ký hiệu sau đây.

Thép cacbon có chất lượng thường

Chúng được cung cấp dưới dạng tấm, thanh đặc, hoặc dạng ống,… Chúng được sử dụng chủ yếu trong xây dựng (kết cấu khung bê tông của tòa nhà, khung thép của nhà xưởng, cầu, hầm,…), sử dụng để chế tạo các bộ phận máy móc, không yêu cầu cao về khả năng chịu lực hoặc có cường độ làm việc thấp. Chúng được chia thành 3 nhóm chính A, B, C, dựa trên tiêu chuẩn Việt Nam (TCVN).

Nhóm A:

Ký hiệu thép, quy định cơ tính, không quy định thành phần hóa học, ta có kiểu ký hiệu chung như sau: CTxxy (TCVN)

Trong đó:

  • CT: Thể hiện thép cacbon thuộc nhóm có chất lượng thường.
  • xx: Thể hiện chỉ số giới hạn bền (kg/mm²)
  • y: Thể hiện phương pháp khử oxy (s – sôi, nếu để trống ta quy ước là lặp, n – nửa lặng).

Ví dụ: Nhưng mác thép: CT38, CT38s, CT38n.

  • CT: Thể hiện nhóm thép chất lượng thường.
  • 38: Thể hiện giới hạn bền là 38 (kg/mm²).
  • Các mức độ khử oxi lần lượt là: lặng, sôi, nửa lặng.

Nhóm B:

Ký hiệu thép, quy định thành phần hóa học không quy định cơ tính, ta có kiểu ký hiệu chung như sau: BCTxxy

Tương tự như nhóm A, ta có CT thể hiện nhóm thép chất lượng thường, xx thể hiện giới hạn bền, y thể hiện phương pháp khử oxy.

Ví dụ về kiểu ký hiệu nhóm B: BCT34.

Nhóm C:

Ký hiệu thép quy, quy định cả về thành phần hóa học và cơ tính, ta có ký hiệu chung như sau: CCTxxy.

Ví dụ: CCT42n.

Thép cacbon chất lượng tốt

Thép cacbon chất lượng tốt, có chất lượng cao hơn, so với các nhóm của mã CT. Chỉ tiêu được sử dụng để đánh giá chất lượng của thép cacbon, thông qua hàm lượng S và P, tồn tại trong vật liệu. Thép cacbon có chất lượng tốt thường có hàm lượng S < 0,04%, hàm lượng P < 0,035%.

Dòng thép cacbon chất lượng tốt, có quy định về cả thành phần hóa học và cơ tính, chúng thường được sử dụng để chế tạo các chi tiết máy.

Kiểu ký hiệu chung: Caay

Trong đó:

  • C: Thể hiện thép cacbon thuộc nhóm chất lượng tốt.
  • aa: Thể hiện hàm lượng phần vạn cacbon có trong thép.
  • y: Thể hiện phương pháp khử oxy

Ví dụ: Mác thép C45

  • C: Thép chất lượng tốt
  • 45: 45/10000 tương đương 0.45% cacbon
  • Chỉ số “y” để trống: loại thép lặng.

Thép cacbon công cụ

Thép công cụ là loại thép cacbon có độ cứng cao, hàm lượng cacbon trong vật liệu thường lớn hơn 0.65%. Tiếp tục căn cứ vào hàm lượng P và S, thép cacbon công cụ lại được chia nhỏ thành 2 nhóm.

  • Nhóm 1: P < 0,03%; S < 0,03%.
  • Nhóm 2: P < 0,03%; S < 0,02% (chất lượng cao hơn nhóm 1).

Chúng thường được sử dụng để chế tạo các loại công cụ cơ khí, công cụ cắt gọt kim loại.

Kiểu ký hiệu chung: CDaa(A)

Trong dó:

  • CD: Thể hiện thép cacbon dụng cụ
  • aa: Thể hiện hàm lượng phần vạn cacbon có trong thép.
  • Để phân biệt “nhóm 1” với “nhóm 2” người ta thêm chữ A ở cuối mã vật liệu (không có A là “nhóm 1”, có A là “nhóm 2”).

Ví dụ: CD75, CD57A.

Ưu điểm và nhược điểm của thép cacbon

Như mọi vật liệu khác, thép cacbon là loại vật liệu được ứng dụng trong những mục đích nhật định, chứ không phải tất cả. Bởi mỗi loại vật liệu đều có những điểm mạnh và điểm yếu riêng. Việc hiểu rõ những điểm mạnh và hạn chế của vật liệu, giúp ta lựa chọn được loại vật liệu phù hợp, cho những ứng dụng cụ thể.

Ưu điểm

Độ bền cao: Có khả năng chịu được lực căng và áp lực cao, đồng thời có độ bền kéo tốt.

Độ cứng tốt: Thép cacbon có thể được xử lý nhiệt để đạt được độ cứng cao, tùy thuộc vào quá trình gia công và xử lý nhiệt cụ thể.

Khả năng gia công và hàn tốt: Thép cacbon có khả năng gia công và hàn tốt, giúp dễ dàng tạo ra các sản phẩm và kết cấu phức tạp.

Đáp ứng chi phí thấp: So với các loại thép hợp kim, thép cacbon có chi phí sản xuất thấp hơn, làm cho nó trở thành một lựa chọn phổ biến và kinh tế.

Đa dạng ứng dụng: Với nhiều mác thép khác nhau, ngoài ra việc thay đổi hàm lượng các chất cấu thành, hoặc phương pháp nấu luyện. Vật liệu có thể thay đổi được cơ tính, từ đó mở rộng khả năng ứng dụng cho những điều kiện làm việc cụ thể.

Tính công nghệ tốt: Thép cacbon có thể được tạo hình, thông qua nhiều phương pháp gia công khác nhau như cán, rèn, đúc, hàn, và nhiều kiểu gia công cắt gọt khác.

Nhược điểm

Dễ rỉ sét: Không có khả năng chống rỉ sét tự nhiên, và nếu không được bảo vệ bề mặt, nó có thể bị oxi hóa, trong thời gian dài sẽ ảnh hưởng đến hoạt động và độ bền của sản phẩm.

Một số mã thép cacbon thấp không thể nhiệt luyện: Nhiệt luyện bao gồm các phương pháp như tôi, ram, ủ, thường hóa,… Những công nghệ này nhằm gia tăng cơ tính của vật liệu. Tuy nhiên có nhiều mã thép không thể áp dụng các phương pháp nhiệt luyện, hoặc có nhiệt luyện nhưng cơ tính cải thiện không đáng kể.

Hạn chế trong môi trường ăn mòn: Không phù hợp trong môi trường ăn mòn như axit mạnh hoặc môi trường chứa muối nước mặn.

Ứng dụng của thép cacbon

Thép cacbon có rất nhiều ứng dụng trong các ngành công nghiệp khác nhau. Dưới đây là những ứng dụng phổ biến của thép cacbon:

  • Xây dựng: Thép cacbon được sử dụng rộng rãi trong xây dựng, bao gồm cầu, nhà cao tầng, tòa nhà thương mại, công trình giao thông,… Nó được sử dụng để tạo ra khung kết cấu chịu lực và hệ thống cột, sàn, và các bộ phận khác của các công trình xây dựng.
  • Chế tạo các bộ phận của phương tiện giao thông: Sử dụng trong sản xuất ô tô, xe tải, xe đạp và các phương tiện vận chuyển khác. Nó được sử dụng trong khung xe, bộ phận treo, bộ phận chịu lực và các bộ phận cơ khí khác.
  • Gia công cắt gọt: Thép cacbon được sử dụng để sản xuất các công cụ cắt gọt như dao, kéo, lưỡi cưa và các dụng cụ đục. Không chỉ những loại công cụ cắt gọt thông thướng, những loại thép cacbon với hàm lượng cacbon cao, được sử dụng để chế tạo các công cụ cắt gọt kim loại.
  • Ứng dụng trong chế tạo các loại thiết bị đường ống: Trong các lĩnh vực lọc hóa dầu, điện năng vá nhiều ngành nghề liên quan đến sản xuất công nghiệp khác. Thép cacbon được sử dụng để chế tạo các loại đường ống, phụ kiện đường ống (mặt bích thép, cút nốt thép,…) đường ống thép, chế tạo các loại van (van bi, van cầu, van bướm,…). Để tạo thành một hệ thống luân chuyển chất lưu, nhằm thực hiện một số chức năng nhất định.
  • Cơ khí chính xác: Được sử dụng trong sản xuất các bộ phận và chi tiết cơ khí, với yêu cầu độ chính xác cao như trục, bánh răng, trục vít, ổ bi và các bộ phận khác, để liên kết tạo thành những loại máy móc hoàn chỉnh.
Ứng dụng của thép cacbon
Ứng dụng của thép cacbon

Kết luận

Thép cacbon là một loại vật liệu quan trọng, trong nhiều ngành nghề và lĩnh vực khác nhau, được sản xuất từ sự hợp kim giữa sắt và carbon. Thép cacbon có nhiều đặc tính và ứng dụng đa dạng.

Dưới đây là những điểm chính:

  • Đặc tính cơ học: Độ bền cao và độ cứng tốt, chịu được lực căng và áp lực lớn, chống mài mòn,…
  • Ứng dụng rộng rãi: Được sử dụng trong nhiều ngành công nghiệp như xây dựng, ô tô, hàng hải, công nghiệp hàng không, công cụ cắt và đục, năng lượng và nhiều lĩnh vực khác.
  • Đa dạng mã thép: Có nhiều mã số và tiêu chuẩn khác nhau, tuỳ thuộc vào thành phần hóa học và tính chất cơ học cụ thể.
  • Ưu điểm: Thép cacbon có độ bền cao, độ cứng tốt, khả năng gia công và hàn tốt, và có giá thành thấp so với thép hợp kim.
  • Nhược điểm: Thép cacbon có khả năng bị rỉ sét, dễ gãy hơn so với các loại thép khác và có hạn chế trong môi trường ăn mòn.

Thông tin được chia sẻ trong bài viết, được tham khảo từ một số nguồn bao gồm: worldsteel.org, youtube vaquhu, TCVN 1765:1975, kinh nghiệm và kiến thức về vật liệu của tác giả.

Như thường lệ mình rất hoan nghênh những câu hỏi và ý kiến đóng góp, để những bài viết tiếp theo được hoàn thiện hơn. Cảm ơn bạn đã quan tâm đến bài viết!

Xem thêm : Vật liệu thép C45

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

phone-icon zalo-icon